CÂN BẰNG GIỮA VIỆC HỌC VÀ CHƠI CHO CON

Đối với độ tuổi đang đi học của trẻ thì việc kết hợp thời gian giữa học và vui chơi là rất cần thiết. Vì nếu trẻ học quá nhiều mà không có thời gian cho việc vui chơi sẽ rất ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ. Còn nếu trẻ chỉ lo vui chơi mà không dành thời gian để học lại càng đáng lo hơn. Vậy làm sao để cân bằng việc học và chơi cho con ? Hãy cùng Alpha Academy xem bài viết dưới đây để giải đáp thắc mắc này nhé!
1. TẠI SAO CẦN CÂN BẰNG GIỮA HỌC VÀ CHƠI CHO CON ?
Một chế độ cân bằng hợp lý giữa học tập và vui chơi, nghỉ ngơi là việc rất quan trọng trong việc giúp trẻ tái tạo nguồn năng lượng để tiếp tục hành trình trên con đường học tập. Những lúc trẻ ra ngoài vui chơi là lúc thoải mái nhất, điều này giúp trẻ bớt căng thẳng và nạp năng lượng cho não, tăng khả năng ghi nhớ trong thời gian học tiếp theo. Mặt khác, qua những hoạt động vui chơi thể chất trẻ sẽ phát triển khả năng làm việc nhóm, học hỏi tính kỷ luật và tinh thần đồng đội…
2. CÂN BẰNG HỢP LÝ GIỮA HỌC VÀ CHƠI NHƯ THẾ NÀO?
Giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử bằng các trò chơi và các hoạt động thể chất
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiếp xúc với các thiết bị điện tử. Trẻ từ 2 đến 5 tuổi nên được giới hạn thời gian sử dụng tối đa trong 1 tiếng, tốt nhất nên có người lớn xem cùng.
Đối với trẻ nhỏ, niềm vui của con là được vui chơi. Nhờ các hoạt động vui chơi, trẻ gia tăng trải nghiệm và phát triển ở các lĩnh vực khác nhau như vận động, ngôn ngữ, nhận thức,… Đặc biệt, các trò chơi tương tác như đóng kịch, chơi cờ hay chơi câu đố, cùng con đọc sách,… không những giúp trẻ phát triển các kỹ năng tương tác xã hội mà còn phát triển tư duy biểu tượng và khả năng sáng tạo. Điều cần thiết với phụ huynh ngay lúc này là dành thời gian tương tác với con một cách chủ động. Khi trẻ có mối bận tâm đến điện thoại, phụ huynh hãy bắt đầu với một trò chơi hoặc ứng dụng trên điện thoại trước và sau đó từ từ lôi kéo trẻ khỏi điện thoại bằng cách trò chuyện với trẻ về những nội dung trên điện thoại như “Con thấy chú Doraemon này như thế nào?”,… Sau đó, phụ huynh dần dần loại bỏ các thiết bị công nghệ và thay thế chúng bằng các hoạt động như đọc sách, bơi lội, đi xe đạp, đi công viên, siêu thị,… Việc giữ trẻ tránh xa các thiết bị công nghệ trong hai hoặc ba tuần sẽ giúp các bậc cha mẹ nhận thấy sự khác biệt trong hành vi của con. Bên cạnh việc dành thời gian chơi cùng con, cha mẹ lưu ý khuyến khích tương tác xã hội giữa con với bạn bè đồng trang lứa.
Ở những trẻ lớn hơn, phụ huynh có thể trực tiếp trao đổi với trẻ về những lợi ích và khuyết điểm mà điện thoại mang lại trên phương diện sức khỏe, cảm xúc, học tập và xã hội. Việc thiết lập giới hạn liên quan đến điện thoại như “không cho phép sử dụng điện thoại trong bữa tối” hay “không sử dụng điện thoại trước khi ngủ”,…cùng với lời giải thích rõ ràng về các luật lệ đó là điều cần thiết. Đồng thời, cha mẹ cần nhận thức bản thân chính là người thầy cô tốt nhất của con cái. Nếu cha mẹ chăm chú vào điện thoại hàng giờ bên cạnh trẻ, một cách vô hình, trẻ có thể học được điều đó và nghĩ đó là hành vi phù hợp. Vì thế, phụ huynh cần điều chỉnh thời gian sử dụng điện thoại một cách hợp lý.
Lập kế hoạch cho các giờ làm bài tập về nhà ngắn nhưng hiệu quả
Theo nghiên cứu, khả năng lưu giữ thông tin của trẻ em giảm dần sau khoảng 25 đến 30 phút. Vì vậy, phụ huynh hãy chia các buổi học ở nhà thành nhiều lần học nhỏ hơn, sau đó cho con nghỉ ngơi một lát và tiếp tục học thêm 15 đến 20 phút. Cách “phân phối việc học” này có hiệu quả cao bởi vì nó chiều theo cách làm việc của bộ não. Não cần thời gian phục hồi và “sạc pin” để “tổng hợp protein”. Khoảng thời gian nghỉ ngơi cũng chính là lúc não trẻ dung nạp tốt những kiến thức vừa học. Khi trẻ phải học hàng giờ liền điều này không chỉ tạo cảm giác chán nản mà còn gây mất tập trung, trẻ cũng không thể tiếp thu nếu như bị mệt mỏi, căng thẳng. Phụ huynh có thể giúp con nạp năng lượng với các hoạt động vui chơi trong thời gian nghỉ ngơi. Chẳng hạn, bạn có thể giúp con cân bằng qua những việc như đi dạo cùng con, chơi trò chơi, làm đồ ăn nhẹ…
Vui chơi thoả thích trong trường học
Tại trường học, các con được sắp xếp thời gian chơi xen kẽ giữa giờ học như 3 khung giờ chính là đầu giờ, giờ giải lao và sau giờ học. Trẻ có thể thoả sức vui chơi để giải toả những giây phút học hành tập trung của mình bằng những môn thể thao như đá bóng, đá cầu, cầu lông,… Đó là những hoạt động vui chơi giúp cho trẻ có thể phát triển thể chất một cách tự nhiên nhất.
Đăng ký học thêm môn học năng khiếu, thể chất hoặc ngoại ngữ
Ngoài thời gian học và những hoạt động vui chơi nho nhỏ tại trường thì phụ huynh có thể đưa trẻ đến các trung tâm để học những môn năng khiếu như học vẽ, học múa, học đàn… hoặc cho con học ngoại ngữ. Cha mẹ cũng có thể đăng ký cho trẻ học những hoạt động phát triển thể chất như học bơi tại trung tâm uy tín để đảm bảo được sự an toàn và có điều kiện tốt nhất cho các trẻ vui học. Đối với việc học ngoại ngữ, hãy chọn những trung tâm ngoại ngữ có lịch học linh động về thời gian cho cả trẻ và phụ huynh để tiện cho việc đưa đón và học tập, vui chơi của trẻ được cân bằng, thoải mái hơn.

Thật vậy, việc cân bằng giữa việc học và việc vui chơi phát triển thể chất của trẻ đã trở nên dễ dàng hơn với những mẹo vừa rồi đúng không nào. Để trẻ có một tương lai phát triển tốt cả về tư duy và thể chất thì các phụ huynh nên cố gắng sắp xếp thời gian của mình để thực hiện theo các cách trên nhé. Từ bây giờ, trẻ có thể vừa học vừa được vui chơi thoải mái mà không sợ thiếu thời gian hay trùng việc với nhau rồi.
Tham khảo những bài viết khác của Alpha Academy tại:
https://alphaacademy.edu.vn/nen-cho-con-hoc-phat-am-giong-anh-hay-giong-my/
Trả lời